Change background image

Nơi chia sẻ của những người con Bát Xát


Go downThông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

© FMvi.vn

Mon Feb 21, 2011 11:39 pm
namngoc
namngoc

Hiệu trưởng (Admin)

Những ngày này khắp nơi trên bản vùng cao của huyện Bát Xát không khí xuân tràn ngập các bản làng. Với người Mông, mùa xuân là mùa của chim làm tổ, trai gái tìm nhau, trẻ già dòng tộc quên đi những mâu thuẫn để cùng đón năm mới trong tiếng cười nói vui vẻ. Mùa xuân dường như đến sớm hơn ở Sàng Ma Sáo. Khi hoa mơ, hoa mận nở trắng rừng, ấy là lúc bản người Mông nhộn nhịp đón Tết.

Người Mông ở xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát cũng như người Mông trên khắp vùng cao Bát Xát chuẩn bị rất chu đáo để đón Tết, bởi theo họ cả năm làm việc vất vả rồi nên Tết là dịp để nghỉ ngơi và thăm hỏi nhau. Từ con gà tết, bộ váy áo… đều được chuẩn bị rất kĩ lưỡng từ vài tháng trước.

Bắt đầu từ ngày 30 tết, người đàn ông trong gia đình dọn dẹp nhà cửa và trước tiên là từ bếp. Theo quan niệm của người Mông bếp là nơi quan trọng nhất, nơi giữ lửa, giữ ấm cho mọi người trong gia đình. Quét trần bếp phải bằng cành lá của cây tre, cây nứa, vừa quét vừa khấn."Năm cũ sắp qua, năm mới sắp đến, quét hết các bệnh tật ốm đau, không quét tâm hồn của con cháu trong gia đình, cầu cho cái xấu đi hết, đón cái may mắn về nhà: . Sau đó là dọn xung quanh nhà, quét nhà, sửa sang và sắp xếp đồ đạc gọn gàng.

Một món ăn không thể thiếu được trong ngày tết đó là món báng dày. Ngày 30 tết khắp bản làng thơm lừng mùi xôi nếp mới. Nhà nhà xôi nếp để làm bánh dày. Bánh dày là thứ bánh đặc trưng của tết Mông. Người Mông quan niệm, bánh dày tượng trưng cho mặt trăng, mặt trời - là nguồn gốc sinh ra con người và vạn vật trên mặt đất. Sau khi nếp xôi chín được đổ ra máng gỗ giã bằng nhịp chày đôi cho đến khi nhuyễn thì "bắt bánh" - có nghĩa là tạo hình dáng bánh. Chiều 30 tết cả bản làng nhộn nhịp tiếng chày giã bánh.

Người Mông rất quan trọng cúng Tết, vào chiều 30 tết chủ nhà phải thay bàn thờ mới và làm thủ tục dâng cúng con gà trống còn sống và bánh dày trước bàn thờ tổ tiên, để tổ tiên thần linh làm chứng rằng gia chủ đã có lòng dâng cúng. "Hôm nay là ngày đẹp, mời tổ tiên về chứng kiến gia đình thay bàn thờ mới, gia đình có con gà trống và bánh dày xin dâng cúng tổ tiên, mời tổ tiên thần linh về chứng dám và cùng ăn Tết với gia đình. ". Khấn vậy rồi con gà trống được cắt tiết trước bàn thờ và lông cổ được dính lên bài vị bàn thờ bằng chính tiết của nó.

Ngày 30 tết, ngày cuối cùng trong năm, đó là ngày người đi xa về sum họp với gia đình, ngày âm dương giao hoà, ngày đất trời mở chu trình mới, giấy bản được gia đình cắt hình vuông, hình chữ nhật, có những hoạ tiết đơn giản để dán bài vị bàn thờ mới, rồi dán lên cửa nhà, cửa sổ, các xà ngang, cày, bừa, cuốc, xẻng, đồ gùi, gánh gồng… Với người Mông, các vật dụng lao động chính là các vị thần đã giúp họ làm ra của cải, nuôi sống họ từ đời này qua đời khác, vì vậy mà chúng được mặc áo mới và được đón Tết trong sự tôn vinh của người Mông.

Vào thời khắc giao thừa, người đàn ông trong gia đình bày con gà đã được làm thịt cùng bánh dày để lễ cúng tổ tiên tại gian giữa nhà và khấn : "Năm cũ đã qua, năm mới đã đến, xin điều giữ mang đi, điều lành ở lại. Xin cho con cháu trong nhà học hành tiến bộ, khỏe mạnh không đau yếu. Xin nuôi con gà được con gà, nuôi con trâu con bò được con trâu con bò, không bị dịch bệnh. Trồng cây lúa thu được hạt thóc, trồng cây ngô thu được bắp ngô…” vừa khấn vừa véo bánh dày mời họ cùng ăn bánh mừng năm mới. Sau đó người đàn ông lấy bát gạo cắm que đũa và quả trứng mang ra trước cửa để gọi hồn mời thổ công thổ địa cùng vào ăn tết với gia đình.

Ngày mùng 1, gia đình người Mông tiếp tục làm lễ cúng tổ tiên thần linh bằng thịt con gà mái đã luộc chín và chặt sẵn từ chiều 30, cùng với cơm mới nấu, được đặt trên bàn ở gian giữa nhà để mời tổ tiên thần linh về ăn tết mùng 1. "Năm cũ qua đi, năm mới đến rồi, qua một năm con cháu chúng tôi tích cực lao động sản xuất nay đã thu hoạch gọn gàng để đón năm mới. Xin mời tổ tiên về cùng ăn tết với gia đình và mang đi hết bệnh tật rủi ro. Sang năm mới có sức khoẻ tiếp tục lao động có nhiều của ăn của để”

Trong các lần cúng thì người cúng cùng ăn với tổ tiên và thần linh như một sự chứng thực về các đồ vật dâng cúng.

Những phong tục ăn Tết của người Mông có lẽ không giống với bất cứ dân tộc nào, nó mang những nét văn hoá đặc sắc thể hiện tính nhân văn, tính cộng đồng. Trong những ngày tết bếp của gia đình người Mông không được tắt lửa, nếu chẳng may bị tắt thì cũng không được thổi lên, vì thổi là có gió bão làm mất mùa. Ăn cơm, mọi người không được chan canh vì sợ của cải làm ra sẽ bị nước cuốn trôi mất.

Người Mông cũng có phong tục đến chúc Tết hàng xóm và họ hàng, uống với nhau chén rượu, ăn với nhau miếng bánh dày, miếng thịt và cùng chúc nhau những điều tốt lành trong năm mới.

Trong những ngày tết các bản Mông tưng bừng hội xuân. Âm thanh ngày xuân rộn ràng trong tiếng khèn, điệu múa của các cô gái chàng trai. Cũng trong hội xuân có nhiều hoạt động mang đậm bản sắc, trong đó có trò chơi "nẩy pao", đánh yến. Quả pao mềm mại, cái yến thanh mảnh, người đánh đi, kẻ trao lại như một cuộc đối thoại bằng hơi ấm bàn tay, trong đó gửi trao biết bao lời hẹn hò. … Tất cả tạo nên bức tranh sống động, phong phú đầy mầu sắc, nhiều âm thanh về một hoạt động văn hoá tinh thần của đồng bào Mông.

Tết Mông là một cuộc triển lãm văn hoá của dân tộc Mông, tất cả những phong tục tập quán tốt đẹp, những nét văn hoá đặc sắc… là kho tàng văn hoá độc đáo góp phần tạo nên một nền văn hoá đa sắc màu của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Lưu Liên – Đức Tiến

https://batxat.forum-viet.com

Thích

Báo xấu [0]

Gửi một bình luận lên tường nhà namngoc
Trả lời nhanh

Về Đầu TrangThông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

  © FMvi.vn

« Xem bài trước | Xem bài kế tiếp »

Bài viết liên quan

    Quyền hạn của bạn:

    Bạn không có quyền trả lời bài viết